TƯ VẤN TÂM LÝ HỌC ĐƯỜNG
- Ngày đăng: 08/09/2021 00:00:00
- Lượt xem: 1046
Tư vấn tâm lý học đường đang là một cụm từ được nhiều bậc phụ huynh cũng như quý nhà trường quan tâm và tìm kiếm trong thời gian qua..
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG SỐNG VÀ TƯ VẤN TÂM LÝ TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG LIÊN CẤP CĐSP QUẢNG TRỊ.
Giảng viên: PHAN THỊ HƯỜNG
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện hàng loạt những vấn đề liên quan đến đạo đức, kỷ luật trường học, học sinh tự tử, áp lực thi cử, những rối loạn tâm lý, quan hệ thầy trò… của các trường học Việt Nam, những nhà giáo dục, tâm lý và cùng những tổ chức và các cơ quan hữu trách đã “giật mình” và bắt đầu đề cập đến việc phải có các hoạt động tham vấn tâm lý trong trường học. Đến nay, vấn đề tham vấn học đường, Phát triển kỹ năng sống tại Việt Nam đã trở thành một đề tài nóng bỏng và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các em học sinh, phụ huynh, nhà trường, các nhà tâm lý – giáo dục và các tổ chức thuộc chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Trường PTLC CĐSP Quảng Trị thực sự xem trọng vấn đề này và đã hiện thực hóa, đưa PTKNS và TVTLHĐ vào chương trình giáo dục của nhà trường theo hướng chuyên nghiệp.
Tôi sẽ làm rõ một chút về Kỹ năng sống và Tư vấn Tâm lý học đường.
Kĩ năng sống là khả năng để có hành vi thích ứng (adaptive) và tích cực (positive), giúp các cá nhân có thể ứng xử hiệu quả trước các nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày.
Tư vấn tâm lý học đường hay còn gọi là tham vấn học đường là một nhánh của ngành tham vấn tâm lý được xuất hiện vào đầu thế kỷ 20 tại Hoa Kỳ.
Tư vấn tâm lý học đường chính là một tiến trình ngắn hạn, dựa trên những cơ sở lý thuyết để giúp con người có những định hướng đúng về các vấn đề xã hội, các vấn đề riêng tư, hay trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của bản thân. Và người làm tư vấn tâm lý học đường có thể hiểu là người tư vấn hay người tư vấn giáo dục. Ngày nay, bên cạnh việc tư vấn tâm lý, giúp HS có những định hướng đúng, thì tư vấn viên cũng mở rộng ra các lĩnh vực khác nhau như: biện hộ, bênh vực, giúp đỡ tất cả HS từ việc học tập đến định hướng nghề nghiệp, những thành đạt có ý nghĩa cá nhân và xã hội trong các trường học…
1. Vai trò của kỹ năng sống và tư vấn Tâm lý học đường đối với học sinh phổ thông
Trong môi trường học đường, Tư vấn Tâm lý học đường và Phát triển kỹ năng sống nhằm giúp trường học giải quyết những vấn đề sau:
- Hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn trong việc phát triển nhân cách, năng lực và kỹ năng học tập, định hướng nghề nghiệp, lối sống khỏe mạnh, các mối quan hệ liên nhân cách và những rối loạn cảm xúc và nhân cách.
- Hỗ trợ phụ huynh trong việc quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái, phát triển mối quan hệ với nhà trường một cách tích cực, phát hiện những khó khăn của con cái và phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục.
- Hỗ trợ giáo viên và những thành viên khác trong nhà trường trong việc giao tiếp và tiếp cận với học sinh, kịp thời phát hiện những nhu cầu và những vấn đề cần sự can thiệp của nhân viên tư vấn.
- Hỗ trợ nhà trường trong việc hoạch định các chiến lược giáo dục toàn diện cho học sinh, cách thức phối hợp với phụ huynh trong việc giáo dục, cách thức tổ chức các hoạt động nhằm phát triển và ngăn ngừa các hành vi nguy cơ trong trường học của học sinh.
- Phối hợp với các tổ chức liên quan trong việc hỗ trợ và can thiệp trong trường hợp học sinh có những vấn đề liên quan đến những hoạt động bên ngoài như các vấn đề pháp luật, các vấn đề về bệnh tâm lý… Lưu giữ hồ sơ những học sinh có những vấn đề về tâm lý để có thể sử dụng trong những trường hợp cần thiết sau này.
- Tư vấn học đường sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu và có những giải pháp phù hợp với những vấn đề tâm lý của con mình.
2. Những thuận lợi và khó khăn trong việc Phát triển kỹ năng sống và Tư vấn tâm lý học đường ở trường PT LC CĐSP Quảng Trị
Thuận lợi:
Nhà trường có đội ngũ các GV Tâm lý, nhanh chóng thành lập trung tâm tư vấn cho HS, ngay lập tức có thể đi vào hoạt động theo dạng chuyên nghiệp.
Nhà trường có nhiều phòng học, cơ sở vật chất tốt nên việc dành riêng 1-2 phòng tư vấn là dễ dàng.
BGH trường CĐSP, Trường PTLC rất coi trọng vấn đề giáo dục kỹ năng sống và tư vấn Tâm lý học đường cho HS, tạo điều kiện tốt nhất có thể để HS được tiếp cận với vấn đề này, GV được tạo điều kiện để có thể thực hiện hiệu quả nhất hoạt động tư vấn Tâm lý, Phát triển kỹ năng sống cho HS.
Khó khăn:
Hoạt động trợ giúp tâm lý rất ít được tổ chức ở trường cho nên mỗi khi gặp khó khăn về tâm lý các em chủ yếu tâm sự với bạn bè, một số ít thì tâm sự với cha mẹ hoặc không nói với ai, thậm chí giải quyết sự việc một cách tiêu cực.
Ðiều đó cho thấy, các em thật sự cần một người đáng tin cậy và có chuyên môn để chia sẻ tâm sự hoặc trợ giúp các em tìm cách thức giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Tuy nhiên, các em lại chưa có thói quen, sự tự tin để tìm đến các tư vấn viên.
3. Đánh giá một phần thực trạng biểu hiện của học sinh THPT LC CĐSP
Thầy cô, rất nhiều các bậc cha mẹ đang nhìn thấy một phần không nhỏ học sinh chúng ta có những biểu hiện: chơi một mình một trò, chọc phá các bạn khác, chống đối các kỉ luật, lơ đãng và hay hỏi những thứ không ai hiểu nổi, và đương nhiên, khi thầy cô giảng bài, chúng đang suy nghĩ đến chiêu trò quậy phá, đắm mình trong thế giới nội tâm, mơ mộng hão huyền, ấp ủ trong đầu một ý tưởng đột phá, viết chậm và xấu nhưng bộ não lại chạy với tốc độ quá nhanh… Khi kiểm tra, thi cử thường là những đứa trẻ bị bỏ lại phía sau, điểm số thường rất tệ.
Tôi gọi đây là những đứa trẻ không đổ vừa khuôn.
Tuy nhiên, về bản chất, chúng là những đứa trẻ tốt một cách thái quá: hiền lành thật thà một cách thái quá, năng động một cách thái quá, thông minh một cách thái quá, sáng tạo và giàu tưởng tượng một cách thái quá, nhạy cảm và mơ màng thái quá… Chính vì thế, chúng trật ra khỏi mọi khuôn khổ, phép tắc, bị tách khỏi đám đông.
Và sự thật, chúng là nỗi kinh hoàng của giáo viên và đối tượng gièm pha của các bạn khác, có cả nỗi thất vọng, bất lực của phụ huynh.
Trên thực tế, đó là những đứa trẻ cô đơn. Điều khác biệt của chúng là mong muốn được tôn trọng và yêu thương không đúng cách, ngược đời, dại dột, thậm chí là ngạo ngược.
Còn những HS có điểm số tốt của chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều những vấn đề cá nhân khác.
Các em đang đối mặt với các vấn đề như: có em áp lực từ cha mẹ, bạo lực học đường, không có khả năng tự vệ, những mối quan hệ tình cảm với những hệ lụy phức tạp, nghiêm trọng, có cả những kiểu đánh ghen của tuổi học trò…
Chúng ta thấy rằng, đằng sau những khuôn mặt thiên thần của các em, một thế giới nội tâm vô cùng phức tạp. Để hỗ trợ và rèn luyện tốt nhất cho HS có những kỹ năng giải quyết các vấn đề của mình, nâng cao chất lượng cuộc sống, tôi đề xuất một số giải pháp sau:
4. Một số giải pháp để phát triển kỹ năng sống và tư vấn Tâm lý học đường
4.1. Cần có giải pháp đồng bộ giữa GVTVTLHĐ với BGH về các lĩnh vực sau:
Nhà trường cung cấp tất cả thông tin về gia đình, học bạ của học sinh, GVCN cung cấp những thông tin đặc biệt của HS trong quá trình theo dõi lớp. GV TVTLHĐ sẽ lập hồ sơ của từng học sinh với các chỉ số: mức độ phát triển các năng lực, sở thích, khả năng, những mối quan hệ …Sau đó, BGH sẽ cung cấp thông tin cho GVCN, GVBM những thông tin cần thiết để cùng giáo dục, hỗ trợ HS.
4.2. Nhà trường kết hợp với ban đại diện CMHS cần làm tốt công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và những người làm công tác giáo dục nhận thức được tính cấp thiết của tâm lý học đường với trường học, mỗi học sinh. Gieo nhu cầu và kích thích nhu cầu sử dụng tâm lý học đường để nâng cao chất lượng cuộc sống học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục. Cần có các hình thức tuyên truyền phổ biến về công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà tư vấn học đường để học sinh, phụ huynh, giáo viên hiểu và có cái nhìn đúng đắn hơn với những học sinh tìm đến nhà tham vấn.
Nhà trường, GVCN hỗ trợ tối đa để GVTL có thể liên hệ, lấy thông tin của HS từ phía gia đình trong những trường hợp cần thiết. Sau đó, các tư vấn viên sẽ hỗ trợ để cha mẹ thấu hiểu con của mình, cách phối hợp cùng tác động đến các con trong quá trình giáo dục.
Cha mẹ học sinh cần nhận thức sâu sắc sự cần thiết của tư vấn học đường đối với việc giáo dục nhân cách, lối sống, định hướng nghề nghiệp…cho học sinh.
4.3. Giải pháp hỗ trợ cho HS làm quen với môi trường tư vấn:
Để tư vấn Tâm lý học đường thực sự đi vào đời sống của các em, chúng ta không thể nói: em nào có vấn đề gì cần tư vấn thì gặp GVTL. Điều này khó lắm ạ, GV có thể ngồi cả năm chưa chắc HS nào tới. Vì vậy, để tạo thói quen và nhu cầu tham vấn tâm lý, Nhà trường nên tạo điều kiện như sau: mỗi tuần dành cho mỗi lớp 1 tiết đề cho các em đến phòng tư vấn TL một lần, có thể đến cá nhân, có thể theo nhóm bạn thân. Thời gian ít nhất là vài tháng hoặc 1 học kỳ, để HS thấy việc đó là bình thường, tạo sự tin cậy với HS từ phía các GV TL. Sau đó, khi quen rồi thì HS sẽ đến theo nhu cầu của mình, có thể ít hơn nhưng lại là những trường hợp cần hỗ trợ thực sự.
4.4. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường về kinh phí trong tổ chức các hoạt động tư vấn và giáo dục kỹ năng sống:
KNS là để hình thành kỹ năng, nên trong quá trình dạy, chúng tôi thiết kế chủ yếu là hoạt động, làm thực tế. Trong đó có những hoạt động cần phải có phương tiện hỗ trợ. GV không thể chuẩn bị hết những phương tiện này. Để tạo điều kiện cho HS thực sự rèn luyện, trải nghiệm để có kỹ năng, chúng tôi mong muốn phụ huynh, học sinh tự chuẩn bị một số phương tiện để thực hiện hoạt động như giấy A0, kéo, keo dán, màu, các phần quà, những mặt cười... Đương nhiên, HS lớn rồi nên HS sẽ tự thu chi số tiền này theo yêu cầu của hoạt động. Khi hoạt động, tôi sẽ thông báo cho GVCN biết về dự kiến số tiền sẽ cần đến để GVCN dễ dàng quản lý HS của mình, tránh trường hợp thông báo với phụ huynh nhiều hơn thực tế.
4.5. Tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn thực hiện.
Sau mỗi giai đoạn nhà trường kết hợp với PHHS tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm từ đó có những giải pháp phù hợp mang lại hiệu quả cao nhất trong việc tư vấn học đường.
4.6. Tăng cường rèn luyện kĩ năng
Nội dung chương trình tư vấn học đường không chỉ bó hẹp trong khung lý thuyết về tư vấn mà cần phải được mở rộng, kết hợp với việc hình thành cho học sinh nhiều kỹ năng. Hình thức tư vấn không chỉ hướng đến cá nhân mà còn hướng đến toàn thể học sinh để hỗ trợ các em phát triển nhân cách hoàn thiện. Hoạt động tư vấn tâm lý mở ra cho học sinh cơ hội để nhìn lại những khó khăn của mình theo nhiều cách thức khác nhau...
4.7. Phối kết hợp với các lực lượng xã hội
Bộ phận tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong và ngoài nhà trường, đặc biệt là với cha mẹ học sinh và giáo viên chủ nhiệm, tổ chức Đoàn, Đội.
Những vấn đề trên là quan điểm cá nhân, mong muốn cùng chung tay với nhà trường xây dựng môi trường mà ở đó tất cả học sinh được giáo dục đúng cách, yêu thương đúng cách, trường học của chúng ta thực sự là trường học hạnh phúc, là nơi khởi nguồn của những ý tưởng sáng tạo, là nơi không có tình trạng bắt cá phải leo cây./.